Tiếng vọng lịch sử, tầm nhìn tương lai: GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang nói về sứ mệnh doanh nhân

Trong tiến trình phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân ngày càng giữ vai trò  vô cùng quan trọng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.  Họ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần định hình tương lai quốc gia.

Với tư duy của một nhà sử học và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ – Võ Việt Nam, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân trong thời đại mới, thông qua các phát biểu tại các sự kiện của dòng họ.

Doanh nhân tiên phong phát triển cùng quốc gia

GS. Vũ Minh Giang chia sẻ: vai trò quan trọng của giới công thương -tầng lớp mà từ năm 1997 chính thức gọi là giới doanh nhân đã được thể hiện trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, phải kể đến sự kiện đặc biệt: “Tuần lễ vàng” – một phong trào quyên góp tài chính quy mô lớn, tiếp sức cho đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và kêu gọi. Đó là thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi chính quyền non trẻ đối mặt với ngân khố trống rỗng, tưởng chừng không thể trụ vững (ngân quỹ vỏn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương trong đó có 580 ngàn đồng rách nát…). Thương nhân Việt Nam với tinh thần dân tộc đã đóng vai trò chủ chốt hưởng ứng đóng góp, giúp chính phủ, ủng hộ nền độc lập quốc gia, góp phần cùng chính quyền nhân dân đưa đất nước vượt qua tình thế hiểm nghèo.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt doanh nhân dòng họ Vũ – Võ nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2020, Giáo sư nhận định: “Ngày 13 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho giới công thương, không đơn giản chỉ là sự quan tâm, động viên, mà còn là đặt niềm tin, là nhận thức về tầm quan trọng, vị trí, sứ mệnh của giới công thương đối với sự nghiệp cách mạng.” Theo ông, đây không chỉ là câu chuyện về sự đóng góp vật chất, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng doanh nhân trong công cuộc kiến thiết quốc gia.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang phát biểu tại buổi gặp mặt doanh nhân dòng họ Vũ – Võ Việt Nam ngày 13/10

Cũng tại buổi gặp mặt, GS. Vũ Minh Giang đã đề cập đến quan niệm truyền thống về “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) từ góc nhìn văn hóa. Trong bốn giai cấp chính của xã hội xưa này thì giới doanh nhân chiếm tới một nửa với vai trò của giới “công” và “thương” – những người đóng góp trực tiếp thúc đẩy sự hưng thịnh vật chất cho xã hội.

Trong phát biểu của mình, ông đề cập đến việc coi nhân lực là nguồn tài nguyên quý trọng hơn cả tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, đồng, chì kẽm, vàng, kim cương… Và trong nguồn nhân lực ấy thì tài năng là tài nguyên đặc biệt quý hiếm mà quý hiếm bậc nhất là “Tài dùng người tài”. Ông trích lời nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phi trí bất hưng” để nhấn mạnh rằng nếu một đất nước không dựa vào trí tuệ của đội ngũ trí thức thì rất khó trở thành một nước văn minh. Một đất nước không có tầng lớp tinh hoa thì đất nước không thể hưng thịnh được. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta có thể dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền, nhưng để xây dựng và phát triển đất nước thì phải dựa vào những lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế. Lực lượng tiên phong ấy không ai khác, chính là đội ngũ doanh nhân.” Chính vì vậy mà Lê Quý Đôn đã khái quát “phi công bất phú” và “phi thương bất hoạt”, nghĩa là muốn đất nước giàu mạnh và nền kinh tế có thể hoạt động lành mạnh không thể thiếu hai tầng lớp công và thương, ngày nay gọi chung là các doanh nhân.

Sứ mệnh của doanh nhân trong bối cảnh mới

Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều biến động phức tạp, khó lường, những thay đổi khó dự báo, nhanh chóng, tác động trực tiếp đến sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển. Đó là chiến tranh thương mại, xung đột cục bộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, đại dịch, hay gần đây là “cơn bão thuế quan từ Hoa Kỳ”… GS. Vũ Minh Giang cho rằng doanh nhân Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có, nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn nếu biết nắm bắt. Làm thế nào để khai thác triệt để những thách thức, biến nguy thành cơ? Ông chia sẻ một số gợi mở:

Yếu tố cần thiết đầu tiên là kiến thức. Tại “Tọa đàm về thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” (ngày 12/04/2025), ông khẳng định: “Một trong những tài sản được coi là vô giá đối với tất cả mọi người, đặc biệt với các doanh nhân đang chiến đấu trên mặt trận thương trường – đó chính là kiến thức, là tri thức về kinh doanh và hiểu biết về thời cuộc.”

Thứ hai là năng lực quản trị. GS. Vũ Minh Giang phân biệt rõ ràng giữa “quản lý” cứng nhắc, chỉ dựa vào đúng – sai theo luật pháp, với “quản trị” – một khái niệm đòi hỏi tầm nhìn xa, khả năng quản lý nguồn lực thông minh, tối ưu hiệu quả và khuyến khích sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt. “Quản lý nhất nhất tuân thủ theo đúng – sai thì sẽ không có sáng tạo, chưa kể có những lúc rơi vào tình trạng sợ sai mà không dám làm gì, do vậy mà triệt tiêu sáng tạo và kìm hãm sự  phát triển. Làm doanh nghiệp là cần suy ngẫm tìm hiểu, nâng cao kiến thức về năng lực quản trị.”

Thứ ba, đó là bản lĩnh văn hóa và khả năng thích ứng. Theo ông, một trong những đặc điểm của văn hóa Việt Nam do lịch sử tác động tương đối nghiệt ngã qua các giai đoạn phát triển là người Việt Nam luôn phải thích ứng với điều kiện tự nhiên, kẻ thù xâm lấn, nên người Việt luôn có khả năng vượt qua khó khăn rất giỏi. Văn hóa Việt Nam không chỉ là sự kiên cường, bất khuất mà còn là tinh thần mềm dẻo và linh hoạt – chìa khóa giúp các doanh nghiệp vượt qua sóng gió và nếu chúng ta chủ động tận những dụng lợi thế này của mình thì có thể biến  thành sức mạnh phi thường. Một sức mạnh mà không nhiều dân tộc khác trên thế giới có được.

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng gợi mở một số định hướng cụ thể như: chú trọng kết nối mạng thương mại điện tử, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, áp dụng chu trình “3 R” (Review – Xem lại liên tục chặng đường vừa đi qua, Research – Tìm hiểu nghiêm túc các nguyên nhân dẫn tới thành bại và Reform – Đổi mới) để không ngừng cải tiến, như ông đã chia sẻ tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Doanh nhân Vũ – Võ Việt Nam mở rộng (15/02/2025).

Doanh nhân Vũ – Võ: Gánh vác trách nhiệm kép với dòng họ và đất nước

Là tầng lớp xã hội với tư cách là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới, có vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội, doanh nhân dòng họ Vũ Võ  đã cùng với đội ngũ doanh nhân cả nước góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ – Võ Việt Nam và Trưởng ban Cố vấn Hội Doanh nhân của dòng họ, GS. Vũ Minh Giang đặt kỳ vọng đặc biệt vào các doanh nhân Vũ Võ. Theo ông, họ không chỉ là lực lượng kinh tế nòng cốt mà còn là những người gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Ông nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của các doanh nhân vào công việc tôn tạo, xây dựng các khu di tích dòng họ trở nên khang trang, tài trợ cho các sự kiện lớn và duy trì hoạt động thường xuyên : “Có thể nói, diện mạo của dòng họ Vũ  Võ của chúng ta trong thời gian qua có những thay đổi rất lớn, các hoạt động phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu có sự đóng góp rất to lớn của đội ngũ doanh nhân – những người luôn có tâm với sự phát triển của dòng họ”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, bản thân sự thành công của mỗi doanh nhân, của từng doanh nghiệp cũng đã là một đóng góp to lớn, bởi điều đó mang lại niềm tự hào cho cả dòng họ và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.

Phát biểu tại Hội nghị BCH Hội Doanh nhân Vũ – Võ (15/02/2025), Giáo sư kêu gọi cộng đồng doanh nhân Vũ – Võ tiếp tục phát huy các giá trị cốt lõi “Nhân ái – Trí tuệ”, tăng cường gắn kết thông qua “3 chữ T”: Tình cảm (gắn kết dòng họ), Tương trợ (hỗ trợ lẫn nhau) và Tâm linh (giữ gìn đạo lý). Ông cũng nhấn mạnh bài học về chữ tín: “Người Nhật Bản coi trọng chữ tín, coi chữ tín như một nét văn hóa nổi trội. Chữ tín của người Nhật làm nên tất cả, với chữ tín này họ ứng xử trong kinh doanh và rất thành công . Chúng ta cũng phải cùng nhau trên cơ sở tình cảm dòng họ, tin vào sự phù hộ của thần tổ, đó là nền tảng để cùng nhau xây dựng lòng tin.” Ngoài ra, khi tham gia việc dòng họ, ông khuyên doanh nhân nên giữ tâm thế đúng đắn, xem đó là “việc nghĩa”, thể hiện lòng biết ơn nguồn cội, hạn chế “cái tôi” và coi đó như việc vun trồng “cây phúc đức” cho chính bản thân và gia đình mình. Ông cũng khuyên các doanh nhân nên tránh so bì về mức độ đóng góp, bởi “nhiều ít là do hoàn cảnh từng người, quan trọng là cái tâm.”

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang phát biểu tại Hội nghị BCH Hội Doanh nhân Vũ – Võ ngày 15/02/2025.

Từ những định hướng ấy, GS. Vũ Minh Giang bày tỏ niềm tin tưởng cùng kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân dòng họ Vũ – Võ. Ông bày tỏ mong muốn, các doanh nhân dòng họ không chỉ thành công trên thương trường mà còn trở thành “niềm kiêu hãnh của dòng họ”.

Dưới góc nhìn của GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, doanh nhân không đơn thuần là người làm kinh tế, mà là người kiến tạo giá trị, làm dày thêm phúc đức cho cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Quan điểm của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tri thức khoa học, tinh thần dân tộc và chiều sâu văn hóa – trở thành kim chỉ nam quý báu cho cộng đồng doanh nhân nói chung và doanh nhân dòng họ Vũ – Võ nói riêng.

 

Ban Truyền thông HĐDH Vũ – Võ Việt Nam