Nhằm làm sáng tỏ giá trị lịch sử và vai trò văn hóa của chùa Đậu trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa dân tộc nói chung, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về thân thế, hành trạng và công đức của hai vị thiền sư đáng kính: Đạo Chân (Vũ Khắc Minh) và Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường), ngày 22 tháng 3 năm Ất Tỵ (Phật lịch năm 2568), tức ngày 19/4/2025, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chùa Đậu – Thành Đạo Tự tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Chùa Đậu (Thành Đạo Tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc”
(Ảnh các đại biểu tham dự hội thảo)
(Ảnh các đại biểu nhận hoa chúc mừng )
Hội thảo có sự chủ trì của:
- GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ Võ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
- Hòa thượng Viên Minh – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Hòa thượng, TS. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội.
- Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Hòa thượng, Thiền sư Thích Trí Siêu (GS.TS. Lê Mạnh Thát) – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
- Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar cùng chư Tôn đức Tăng trụ trì các chùa, tự viện trong và ngoài thành phố Hà Nội.
(Ảnh các đại biểu tham dự hội thảo)
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, lịch sử đã trình bày các tham luận giá trị, nổi bật như:
- Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Một số suy ngẫm về nhục thân hai thiền sư chùa Đậu và những quy chuẩn về phương thức thờ phụng”
- TS Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia: “Chùa Đậu trong cảnh quan lịch sử văn hóa trấn Sơn Nam”
- TS Phạm Thị Thùy Vinh – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: “Chùa Pháp Vũ qua tư liệu Hán Nôm”
- Nguyễn Quang Hà – Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội: “Một số nhục thân của các cao tăng Trung Hoa và Nhật Bản”
- Trịnh Văn Định – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN: “Chùa Đậu ở thế kỷ 17”
- TS Nguyễn Lân Cường, NCC Trần Đức: “Công tác bảo quản nhục thân hai thiền sư họ Vũ”
(Hòa thượng, TS. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội thảo)
(Một số đề xuất về mô hình thờ các bậc trong chùa Đậu của Hòa thượng, TS.Thích Thọ Lạc)
Ngoài ra, hội thảo còn có sự đóng góp của nhiều học giả và chuyên gia: GS.TS. Đinh Khắc Thuân; Hòa thượng, GS.TS. Lê Mạnh Thát; ThS. Dương Văn Hoàn; ThS. Nguyễn Ngọc Phúc; Họa sĩ Đào Ngọc Hân; Họa sĩ Nguyễn Đình Bảng; TS. Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản văn hóa), cùng nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi khác.
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và nhục thân của nhị vị thiền sư họ Vũ ở chùa Đậu. Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề kỹ thuật xác định cấu trúc và kỹ thuật bảo quản nhục thân mà chưa có nhiều những chuyên khảo đề cập đến hành trạng, phương pháp – pháp môn tu tập của hai thiền sư họ Vũ. Hội thảo khoa học “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc” lần này mong muốn làm rõ hơn những vấn đề chưa được sáng tỏ xung quanh nhục thân của hai vị Thiền sư họ Vũ.
Phát biểu tại sự kiện, Hòa thượng, TS. Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh rằng hội thảo đã góp phần làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Đậu trong dòng chảy văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là dịp để cộng đồng học thuật, Phật tử và nhân dân cùng nhìn nhận lại những giá trị to lớn của di sản chùa Đậu, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa – du lịch bền vững.
“Hội thảo khoa học này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 nơi toàn thể nhân dân sẽ được chiêm bái xá lợi Đức Phật và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Tại chùa Đậu, nơi lưu giữ “xá lợi toàn thân” của hai vị Thiền sư, chúng ta thấy được sự truyền thừa của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam.” – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ.
(Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar và các nhà khoa học và chư tăng chiêm bái nhục thân của hai vị Thiền sư họ Vũ)
GS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia – cho biết, trước đây đã có rất nhiều hội thảo và tọa đàm khoa học về chùa Đậu cũng như hai vị Thiền sư. Tuy nhiên, lần này, chương trình được tổ chức với quy mô rất lớn với 37 tham luận của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu và các vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ những phân tích, luận giải và kiến giải được trình bày, GS. TS Nguyễn Văn Kim cho rằng, các ý kiến đều thống nhất đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý văn hóa cần gia tăng các biện pháp bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa quý báu – nhục thân của hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.
Tìm hướng bảo quản lâu dài “toàn thân xá lợi”
PGS.TS Nguyễn Lân Cường – người trực tiếp tham gia nghiên cứu, bảo quản và phục chế pho tượng nhục thân của hai vị Thiền sư – từng nhận định rằng hai “toàn thân xá lợi” này ẩn chứa nhiều yếu tố mà khoa học hiện nay vẫn chưa lý giải được đầy đủ. Do đó, giới khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để có cái nhìn nhận chính xác, toàn diện hơn. Trên cơ sở đó, các phương pháp bảo quản hai Bảo vật quốc gia này sẽ ngày càng hoàn thiện.
Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc – Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, tượng nhục thân của hai vị Thiền sư chùa Đậu cũng như một số vị hòa thượng khác, cần được xác định là những di sản quý báu của văn hóa Phật giáo Việt Nam, từ đó có phương án bảo tồn, lưu giữ phù hợp. Hòa thượng cũng đề xuất việc khoác thêm y áo cho nhục thân hai vị Thiền sư nhằm tăng tính trang nghiêm trong thờ phụng. Đồng thời, cách bố trí hai pho tượng nhục thân trong gian thờ cũng cần được xem xét lại, điều chỉnh sao cho đúng với trật tự và truyền thống lịch sử Phật giáo.
(Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại hội thảo)
Đóng góp tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Minh (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng công tác quản lý và phát huy di sản chùa Đậu cần thiết phải áp dụng nhiều hơn những hình thức công nghệ mới. Trước mắt, cần tiến hành số hóa toàn bộ hệ thống tư liệu liên quan để phục vụ công tác lưu trữ và nghiên cứu. Đồng thời, nhà chùa cần quan tâm đến việc triển khai các hình thức thuyết minh tự động qua mã QR code (thay vì chỉ sử dụng bảng thông tin 2D như hiện nay), tiến tới ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như 3D mapping. Hệ thống hiện vật, bảo vật của chùa, đặc biệt là các pho tượng Phật, sách đồng và tượng nhục thân của hai vị Thiền sư hoàn toàn có thể được quét để tạo tiêu bản 3D.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng, chùa Đậu là ngôi chùa cổ kính, danh tiếng đã nức tiếng xa gần. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến tâm linh thực sự hấp dẫn, cần thiết phải gia tăng “tính thiêng”, tức là tạo dựng không gian linh thiêng cho các Bảo vật Quốc gia – cụ thể là hai pho tượng nhục thân mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích hết được về sự nhiệm màu ấy.
Chùa Đậu – Hơn 2000 năm lịch sử và văn hóa
Chùa Đậu (còn gọi là Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự…) là một trong những địa điểm du lịch tâm linh gắn liền với Phật giáo từ những ngày đầu vừa du nhập vào đồng bằng Bắc Bộ. Vào thế kỷ XVII, dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa được mệnh danh là “Đệ nhất danh lam”, là nơi thờ Tứ Pháp: Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Vân và Pháp Lôi.
Theo sử sách ghi lại, chùa từng được nhiều vua chúa, các vương tôn công tử nhà họ Trịnh – Lê đến dâng lễ, đóng góp công đức để trùng tu. Chính vì vậy mà các bậc vua quan mỗi khi tới đây cầu khấn đều rất linh ứng. Năm 1964, chùa Đậu được xếp hạng là Di tích Lịch sử, nghệ thuật loại A.
Những đường nét chạm trổ tinh tế trong kiến trúc Chùa Đậu.
Nhắc đến chùa Đậu, mọi người sẽ nghĩ ngay đến bề dày lịch sử hơn 2000 năm. Tương truyền rằng, chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc lần thứ hai (năm 602 – 939). Tuy nhiên, thời gian thành lập của chùa được ghi trên bia đá lại từ thời nhà Lý. Theo Đại Đức Thích Thanh Nhung – trụ trì của chùa Đậu – địa điểm này được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ III (200 – 210) dưới lệnh của Sĩ Nhiếp. Sau khi nhận thấy địa thế linh thiêng ở làng Gia Phúc, ông cho dựng chùa để làm nơi lễ Phật. Chùa được đặt tên Thành Đạo Tự cũng từ đó, nghĩa là “mảnh đất của Phật”. Sau này, Thành Đạo Tự được đổi thành Pháp Vũ Tự nhờ vào việc Sĩ Nhiếp cho người thỉnh Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ.
Di tích chùa Đậu nhìn từ trên cao (Ảnh: sưu tầm)
Dưới thời vua Lê Thần Tông, chùa Đậu từng bị xuống cấp và đã được trùng tu lại vẻ khang trang, được triều đình phong tặng danh hiệu “Đệ nhất danh lam” của kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ. Trải qua nhiều biến động lịch sử, đặc biệt là những tàn phá do chiến tranh gây ra, chùa từng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chùa Đậu được tiến hành sửa chữa, khôi phục nguyên trạng, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa – tâm linh đặc biệt của di tích.
Bên cạnh việc được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp A vào năm 1964, chùa Đậu còn xác lập nhiều kỷ lục đáng chú ý. Trong Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, chùa Đậu là một trong những ngôi chùa đầu tiên tại Việt Nam lưu giữ tượng nhục thân. Đặc biệt, vào năm 2007, chùa còn được nắm giữ kỷ lục là nơi đang lưu giữ quyển sách ghi chép lịch sử chùa bằng chất liệu đồng cổ xưa nhất tại Việt Nam.
Lưu giữ hai pho tượng được tạo từ di hài của hai vị thiền sư
Điểm đặc biệt nhất của chùa Đậu là hai pho tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh (Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (Đạo Tâm). Pho tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Trường hiện đã hư hại ít nhiều. Còn pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh hiện vẫn tương đối nguyên vẹn: cao 59cm, nặng 7kg, 2 tay chắp trước bụng, 2 chân bắt chéo theo tư thế kiết già, người hơi cúi về phía trước. Trải qua gần 4 thế kỷ, pho tượng vẫn giữ được nét mặt an nhiên siêu thoát, phảng phất bờ môi thoáng cười niềm hạnh phúc vô biên bất diệt.
Hai pho tượng nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường hiện được thờ tại Chùa Đậu. Tương truyền, hai vị là chú cháu đồng thời cũng là thầy trò, từng trụ trì tại chùa vào thế kỷ XVII. Cả hai đều có căn duyên đặc biệt, sớm từ bỏ đời sống thế tục để xuất gia tu hành, với pháp hiệu lần lượt là Tự Đạo Chân và Tự Đạo Tâm.
Thiền sư Vũ Khắc Minh, pháp danh Đạo Chân, từng trụ trì chùa Đậu trong nhiều năm và viên tịch vào khoảng năm 1638. Theo huyền tích dân gian, trước khi viên tịch, nhà sư đã dặn các đệ tử rằng: “Sau khi nghe tắt tiếng mõ 7 ngày, hãy mở cửa am ra. Nếu thấy ta ngã thì an táng như bình thường, nếu ta còn ngồi thì làm theo cách này…”. Sau đó thiền sư nhập thất, đóng kín cửa. Theo đúng lời thầy dặn, sau 7 ngày im tiếng mõ, các đệ tử mở cửa am vẫn thấy nhà sư trong tư thế thiền định, không có mùi hôi. Các đệ tử liền làm theo cách được ông hướng dẫn để tạo hình pho tượng táng độc nhất, không giống bất kỳ cách ướp xác nào từng được biết đến trên thế giới.
Hòa thượng, TS. Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón tiếp Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đoàn đại biểu dòng họ Vũ Võ Việt Nam sáng 19/4/2025 tại chùa Đậu (Thành đạo tự)
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:
(Hình ảnh đoàn đại biểu điều hành hội thảo)
(Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
(Đoàn đại biểu dòng họ Vũ Võ Việt Nam)
(Hòa thượng, TS. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội)
(Hòa thượng, TS.Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
(Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar chào và trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch hội đồng dòng họ Vũ Võ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Một số hình ảnh của chùa Đậu: